Nhà sách Mão xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Ánh đèn và ô cửa”
"Ánh đèn và ô cửa" với 33 chân dung như 33 nét vẽ chậm đưa đến những phác thảo buộc người đọc phải một phút lắng lòng để nghĩ suy, chiêm nghiệm cùng cô.
Với những nhân vật lớn tuổi, Kim đã có cách tiếp cận riêng, e dè hơn, kính cẩn hơn. Từ GS.TS Đình Quang, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Tâm, GS Hà Minh Đức, nhà văn Hà Ân, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh… Kim đã bày tỏ một thái độ nhã hơn, đằm hơn.
Đọc những câu chữ về những chân dung ấy, tôi như cảm nhận thấy sự chậm rãi của những nhân vật đã sống một quãng đời dài đủ để kịp nhận lại những gì đã qua một thời vang bóng của mình. Có những người tên tuổi của họ đã quen thuộc với không chỉ một thế hệ bạn đọc, một thế hệ công chúng, chỉ nhắc đến tên họ thôi đã là một giá trị, nhưng cũng có những người chỉ lướt qua văn chương như một cơn gió lạ và đã để lại gì đó, đã ghi dấu mốc gì đó cho mai sau. Kim đã đứng trước họ cùng với một tấm chân tình.
Đọc loạt chân dung này người đọc cảm thấy một điểm chung như một tiếng thở dài cố nén lại, thấy một nỗi cô đơn thế hệ, khi cái thời của họ đã qua, dù hào quang vẫn tỏa, dù bản thân họ vẫn là một giá trị thì hơn ai hết họ là người cảm thấu cái thời ấy nó đã sang một trang khác, đã quét đi nhiều thứ trong đó có cả những bạn bè thân hữu.
Những lớp công chúng của họ giờ đây cũng đã trở nên mệt mỏi và lễnh lãng bỏ lại họ bơ vơ đối thoại với chính mình để rồi cay đắng ngộ ra mối lương duyên giữa cái sự sống lâu và cái sự cô độc. Nhưng họ không có lựa chọn. Ấy là mệnh trời.
Lớp chân dung thứ hai trong "Ánh đèn và ô cửa" là những nhân vật mới "hạ cánh" về với đời thường bỏ lại sau lưng những danh lợi, những bận rộn của vai trò quản lý, những chức tước phù du. Kim đã đến, đã xuất hiện đúng lúc để sẻ chia cái tâm trạng ấy ở ngã rẽ mỗi cuộc đời.
Đạo diễn Khải Hưng tâm sự, đã bao nhiêu năm ông đi làm một con đường, ăn sáng ở một quán phở theo lịch đều đặn thứ 2 - 4 - 6 phở gà, thứ 3 - 5 - 7 phở bò, ngay sau khi nghỉ hưu ông đã lập công ty riêng và vẫn đi làm nhưng theo một lộ trình khác, thế rồi đã có lần theo quán tính, buổi sáng, ông dắt xe ra khỏi quán ăn sáng và cứ thế đi thẳng đến Đài truyền hình, nơi ông đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp, như một sự vô thức cho đến khi thấy người bảo vệ "chào với âm điệu hơi khác" thì mới giật mình nhớ ra.
Bận rộn như Khải Hưng thì thế, còn nhàn tản, ẩn dật như nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn cũng có những nỗi đau lặn vào trong, cùng với những bệnh tật kéo về và một nỗi ăn năn, nỗi hận mình khó giải. Chỉ vì một phút lỡ cư xử không phải với người anh để rồi sau sự ra đi của anh trai đã khiến ông dằn vặt ghê gớm. Âu cũng là cái nhạy cảm của nghệ sĩ, của những người mang nghiệp viết, thật hiếm hoi những giây phút thảnh thơi.
Văn của Trần Hoàng Thiên Kim vừa độ, nó không níu người ta vào câu chữ, nó không mua tiếng thở dài của người đọc, cũng không mua tiếng cười gượng ép, nó không lôi kéo dẫn dụ người đọc lặn sâu vào thế giới của nhân vật mà chỉ nhẹ nhàng kết nối, đưa đến những thông tin ở mức trung tính, cũng chính vì thế mà nó gần với sự khách quan hơn, không bị áp đặt cách nhìn, cách cảm của người viết vào nhân vật.
Có lẽ đó chính là sự tỉnh táo còn lại phía bên kia người phụ nữ làm thơ, cái phần báo chí mà Kim đã chọn làm nghề để nuôi những đam mê. Tôi tin, Kim tìm đến mỗi nhân vật không phải chỉ vì một bài báo đang chờ dàn trang sắp chữ. Nếu không có điều gì đó để đồng cảm, để chia sớt thì chắc hẳn sẽ không có một vườn chân dung đa sắc màu như thế.
Tôi cứ hình dung Kim như một con nhím khi xù lông, khi thu gai nhọn, và đứng trước mỗi nhân vật của mình, cô đã biết giấu đi những cá tính gai góc không cần thiết để giữ một giọng "ôn hòa" nhất. Để bạn đọc thấy một Đắc Lê dịch giả với ngôi nhà mang hình con tàu Titanic rất đáng dùng ngòi bút tung tẩy, trào lộng nếu vào tay một "thợ vẽ chân dung lành nghề" khác, còn với Kim cô vẫn giữ giọng văn "phải phép".
Đọc những gì Kim viết đồng nghiệp, công chúng đã hiểu thêm về đời thường nghệ sĩ sau những chức danh to tát, những danh hiệu hào nhoáng, hiểu và thông cảm hơn với họ.
Có những chân dung mà ở đó Kim đã trình ra một lát cắt sắc, một mặt khác của con xúc xắc cuộc đời, khiến người đọc khá bất ngờ với những điều ít biết, hoặc ít nghĩ về nhân vật. Bài về nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà văn Hà Phạm Phú, NSƯT Phạm Bằng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là những bài như vậy. Mừng cho một nữ nhà báo, tuy bộn bề thiên chức và công việc, vẫn có một nét riêng để giao lưu cùng bạn đọc. Đáng quý thay!
© Bản quyền thuộc về Nhà Sách Mão Đinh Lễ nơi khai sinh phố sách Đinh Lễ, thánh địa cho người yêu sách | Cung cấp bởi Sapo