Bàn về chữ thời

50.000₫ 70.000₫

Nhà sách Mão xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách "Bàn về chữ thời "​​​​​

Trong Tam Quốc Chí nổi tiếng mở đầu bằng câu: “Cái thế trong thiên hạ, hễ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan…”. Trải qua nhiều biến cố, máu sông xương núi, rồi cuối cùng tam phân lại hợp nhất! Thế mới biết cái sự chuyển động luân hồi của vũ trụ kỳ bí vô thường. Lại làm ta nhớ đến câu cuối cùng trong cuốn Kinh Dịch: “Chẳng qua cũng chỉ chữ Thời mà thôi”… Ông bạn tôi, suốt ngày kêu ca, chửi đổng, rên xiết là mình “Sinh bất phùng thời”… Tài giỏi như mình lẽ ra phải được thế này, thế nọ. Ngày nọ, chính bà vợ ông bảo rằng: “Ông ơi, ông được thế này là may lắm rồi, may nhất là ông… lấy được tôi, còn kêu gì!”. Kể vui thế, chứ chỗ bạn bè vợ ông nói đúng phần nào… Thời Mạt Thế, kẻ thức thời cũng nên biết đừng ra sức cạnh tranh, đánh nhau với tiểu nhân chỉ có thiệt, người xưa có câu: “Tiến vi Quân. Thoái vi Sư” há chẳng đúng lắm sao?

Trong mười hai con giáp, có bốn con vật linh rất gần với con người, về thời khắc cũng được các Thiền sư chọn để vận khí, luyện công… đó là Tý, Ngọ, Mão, Dậu, trong đó con Ngựa “linh” hơn cả! Con Ngựa chuyển động nhiều nhất trong mười hai con… “ Đi như Ngựa”, “ Nhanh như Ngựa”… Con trai tôi tuổi Ngựa, nhìn vào “Bảng tổng kết” trên phây búc riêng năm Giáp Ngọ này, không tháng nào y không đi, mười một tháng qua y đã đi… gần hết Việt Nam, có vài nơi đi ba lần! Có lần đi bằng xe máy tuốt từ Hà Nội vô Cà Mau, đơn thương độc mã, y bảo bố: “Con ngựa hay không phải là con ngựa béo, mà là con ngựa đưa chủ của nó băng qua các cuộc trường chinh!”. Nghe rợn! Con Ngựa cũng là con vật tôi vẽ nhiều nhất! Tới nay con số lên đến hàng nghìn! Phải chăng nó ứng với chữ Thời, chữ Dịch chăng?

Có lần đọc ở đâu đó triết luận của học giả Trần Đình Hoành: “Người Việt chúng ta hay nói đến Tam Tài: Trời, Đất, Người! “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Qua đó, ta thấy Thiên thời đứng đầu! Thiên thời là thuận lòng trời, hay là thuận thời điểm, thuận chu kỳ lên xuống của vạn vật! “Lòng Trời” hay “Thời điểm tự nhiên” thường có một nghĩa như nhau trong văn hóa Việt! Thế giới vốn vận hành theo đồ thị hình sin! Âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy… Chu kỳ này đúng trong vận động của kinh tế, chính trị, văn hóa, và đạo đức xã hội kể cả tình cảm và những suy nghĩ trong trái tim mỗi người… Cho nên ở vào thời Mạt Pháp thì đừng than van và chửi đời. Hãy biết rằng đó là thời Mạt Pháp! Thời này rất ít người tạo ra năng lượng tích cực cho thế giới. Hãy biết trân trọng những năng lượng ấy! Chính trong ta! Thánh Kinh cũng có một đoạn rất hay nói về Thời.

Vì vậy không gì tốt hơn cho con người là vui hưởng công việc của mình, vì đó là số phận của họ. Vì ai sẽ mang con người đến để thấy điều gì xảy ra sau khi họ chết?

Bàn về chữ Thời không thể không nói đến quẻ Trạch Lôi Tùy trong Dịch. Trong Kinh Dịch, quẻ Tùy đứng thứ 17, sau quẻ Lôi Địa Dự và trước quẻ Sơn Phong Cổ… Nguyễn Hiến Lê giảng Sấm động ở trong Đầm, nước đầm theo tiếng sấm mà động theo. Theo nhưng phải có “điều kiện” thì mới thuận. Đó là chính đáng và bền bỉ. Phan Bội Châu giảng: Nước chằm (đầm) theo tiếng sấm mà động, ấy là tượng quẻ Tùy. Quân tử nên xem tượng ấy tùy thời mà động tĩnh… Tục ngữ cũng có câu: “Tháng mười sấm rạp, tháng chạp sấm ra!”. Đó là lẽ trời. Nhà văn Xuân Cang, tác giả của công trình nghiên cứu “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông” (Dịch học) thì giải: Tùy là Thuận theo. Người quẻ Tùy là người biết thuận theo người, theo việc, theo phong trào, là người giỏi tổ chức phát động phong trào cho mọi người theo. Cũng là người nhạy cảm với việc theo ai? Theo cái gì? Theo như thế nào? Theo vào lúc nào? Tùy hoàn cảnh , tùy thời mà theo… Quẻ Hỗ của Tùy là Phong Sơn Tiệm, là tiến dần dần (tiệm tiến), chấp nhận theo người, chậm mà chắc…

Ngày xuân lạnh giá, ẩm ướt mà ủ chồi non, ngồi một mình trong thư phòng cô tịch, ngẫm về chữ Tùy. Nhìn thời thế đổi thay, lòng người lên xuống như sóng dồn biển cả… Thoắt cái râu tóc đã nhuốm màu sương, bao nhiêu tham vọng phút chốc tan biến, cám cảnh lắm thay! Một chút mạn đàm, có gì sơ suất xin lượng thứ!

 

Sale

Không sẵn có

Hết hàng