✍️Hồng lâu mộng - Tào Tuyết Cần
Hồng lâu mộng còn có tên Thạch đầu kí. Tác phẩm được Tào Tuyết Cần sáng tác trong khoảng thời gian giữa thế kỉ 18 triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Với hơn 100 triệu bản được xuất bản, tiểu thuyết này trở thành một trong những sách bán chạy nhất của mọi thời đại.
Hồng Lâu Mộng là một bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn. Cái vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu sống trong Giả phủ. Cuộc sống xa hoa, tư tưởng cố hữu của giai cấp bóc lột và những mối quan hệ tàn nhẫn giữa họ với nhau đã đưa Giả phủ vào con đường tàn tạ không cứu vãn được. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Trung Quốc đời Thanh. Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc chính là những đứa con "bất hiếu" của gia đình mình, họ chống quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, theo đuổi một cuộc sống tự do, chống lại khuôn phép ràng buộc. Họ yêu nhau vì phản nghịch, càng phản nghịch họ càng yêu nhau. Đó là hồi âm của cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tư tưởng dân chủ sơ khai và tư tưởng phong kiến.
Ở Trung Quốc, độc giả say mê Hồng Lâu Mộng đến mức khi ngồi vào bàn luận văn chương là phải đề cập đến nó đầu tiên và đã có những nhà nghiên cứu chuyên biệt về nó hình thành một bộ môn riêng Hồng học (Hồng Lâu Mộng học). Chỉ với mỗi Hồng Lâu Mộng, Tào Tuyết Cần đã được xưng tụng là "Shakespeare của Trung Hoa”. Gần 300 năm qua, câu chuyện về số phận của những con người trẻ tuổi trong thời buổi suy tàn của xã hội phong kiến đã mê hoặc nhiều thế hệ độc giả trên thế giới.