Nhà sách Mão xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Người bên lề”
Con người luôn là đề tài chủ yếu và là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong văn chương. Nhưng viết về con người như thế nào để bức thông điệp của nhà văn thực sự có dấu ấn, chân thực và sức tác động lớn lao đối với người đọc thì không phải dễ. Với “Người bên lề” của Thiên Sơn bạn sẽ có những cảm nhận vô cùng mới mẻ.
Không phải ngẫu nhiên nhà văn chọn nhan đề cho tập truyện ngắn của mình như vậy. Chính tác giả đã nói: “Từ khi còn nhỏ tôi đã từng gặp và chú ý đến những thân phận cay đắng, những cảnh ngộ trái ngang, những nghịch lý của cuộc sống con người. Tôi nhận ra một thế giới muôn hình nghìn vẻ đang bị phủ vây trong bóng tối định kiến hoặc sự vô tình của người đời. Một thế giới chưa cất lên tiếng nói và sâu hoắm như vực thẳm bí ẩn. Đó là thế giới của những người vì nhiều lý do khác nhau đã bị gạt ra khỏi cuộc chuyển động huyên náo trong ánh sáng tưởng chừng gắt gao của văn minh.
Hơn mười năm qua, tôi đã mạo hiểm làm một hành trình xuyên sâu vào những nghịch lý khó lường, những bí mật câm lặng. Tôi như người mò mẫm trong bóng tối dựng lại những hình hài dẫu chẳng còn nguyên vẹn, cố tìm trong phế hoang những cái đẹp nguyên thuỷ tưởng chừng không thể phá huỷ. Nhưng cũng có khi chỉ tìm thấy sự băng hoại, những vết thương rớm máu và sự quằn quại truyền kiếp”.
Có thể chưa thật đầy đủ và toàn diện nhưng "Người bên lề" đã phần nào phản ánh những con người ấy, nói lên cuộc sống thật, tình cảnh thật và vượt ra ngoài sự hư cấu là niềm đồng cảm sâu sắc, giúp người đọc thức nhận được chân giá trị nhiều chiều của cuộc sống.
Truyện của Thiên Sơn phần lớn nói về những người phụ nữ với số phận bất hạnh: Một người đàn bà điên bị xã hội xua đuổi vẫn có những tâm tư tình cảm rất con người khi sống với bản ngã của riêng mình: chị vẫn khát khao được yêu, được có một gia đình nho nhỏ, được bế ẵm con cái... Cái chết đau đớn dưới vũ lực của đồng loại ( vốn đầy kỳ thị và ghen ghét) đã giáng xuống mảnh đời u ám của chị tạo nên nỗi ám ảnh day dứt trong lòng người, đúng như câu thơ của Nguyễn Du: “Phong vận kỳ oan ngã tự cư”. Một câu chuyện buồn theo đúng nghĩa trong “Chuyện buồn của chị” bởi cuộc đời đầy cám dỗ và lừa lọc khi con người ta không tỉnh táo nhận ra kết thúc vẫn là những cái chết bi thảm đến xót lòng. Đôi khi nhân vật của Thiên Sơn là người sống và hoài niệm về quá khứ (Bó hoa rừng); một con người cô độc, tưởng chừng hoang tưởng nhưng lại rất sáng suốt trong cách nhìn đời (Mộ hoang); một người con gái với thân phận chìm nổi, đa đoan (Kiếp tàn)...
Tất cả như những mảnh ghép của cuộc đời thực hiện hữu. Có nước mắt, có nụ cười, có chia ly, có hạnh ngộ... Và Người bên lề cho dù lấy cảm hứng từ nỗi buồn thương vẫn toát lên giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc.
© Bản quyền thuộc về Nhà Sách Mão Đinh Lễ nơi khai sinh phố sách Đinh Lễ, thánh địa cho người yêu sách | Cung cấp bởi Sapo